Ngành thu mua, sản xuất và phân phối tóc đang có xu hướng bùng nổ ở Đông Nam Á
Tóc là một trong những bộ phận làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Từ thời xa xưa, hình ảnh những cô gái thanh thoát với mái tóc dài đen nhánh đã trở thành nét đẹp chuẩn mực của phụ nữ Á Đông.
Ngày nay, nối tóc đã trở thành một khâu thiết yếu trong ngành sản xuất tóc giả nói chung trị giá hàng tỷ USD, với doanh số hàng năm ước tính thu về khoảng từ 250 triệu đến hơn 1 tỷ USD. Dựa trên Báo cáo Nghiên cứu thị trường năm 2018, thị trường tóc giả và tóc nối ước tính sẽ đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2023.
Phần tóc thô sau khi được cắt bỏ hiện có giá trị thương mại khá cao và là mặt hàng đang được săn đón để làm đầu vào nguyên liệu chế biến thành các loại tóc giả và tóc nối. Theo số liệu tổng hợp, giá trị ngành xuất khẩu tóc trên toàn cầu năm 2017 là 126 triệu USD. Trong đó con số này ở châu Á là khoảng 72,4 triệu USD, chiếm 58% tổng thương mại toàn cầu.
Các hoạt động buôn bán tóc đang có lợi nhuận ngày càng tăng. Ở Ấn Độ, 10% thu nhập của ngôi đền Tirupati Balaji là đến từ việc bán đấu giá tóc, với lợi nhuận từ 2,5 triệu đến 4 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, trên khắp Đông Nam Á vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể cho ngành thương mại này. Đó là lý do dẫn đến việc nhiều thương nhân thu mua "ép giá" tóc.
Phần lớn các thương hiệu chọn tóc Ấn Độ, nơi hầu hết các loại tóc được quyên góp cho các nghi lễ tôn giáo, là địa điểm thu mua tóc. Trong khi đó ở Đông Nam Á, các thương nhân lại nhắm tới các đối tượng thuộc diện nghèo là nguồn thu mua. Các phần tóc nối ở Mỹ có thể có giá từ 500 đến 2.000 USD, nhưng chủ gốc của nó chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong khoản đó.
Ví dụ, Nguyễn Thị Thủy (Việt Nam) cho biết, mức giá bán cao nhất cô được đề nghị cho mái tóc của mình rơi vào khoảng 70.000 VNĐ (tương đương 3 USD). Cô Pheng Sreyvy từ Campuchia thì lại được đề nghị mức giá cao hơn, nhưng cũng chỉ khoảng 15 USD.
Ông Soeng Sen Karuna thuộc Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia cho hay, hầu hết những người phụ nữ ở đây không biết cách thỏa thuận giá tóc trước khi bán. Sự nghèo đói đang đẩy họ bán đi những mái tóc của mình và họ không rõ giá trên thị trường quốc tế của những mái tóc này.
Ông cũng nhận định nếu việc buôn bán tóc tiếp tục diễn ra, chính phủ cần có những động thái ngăn chặn sự khai thác quá mức lượng tóc của phụ nữ nước này.
Không may, với lượng cầu vượt cung, giá trị tăng cao của tóc đã khiến cho nạn trộm cắp tóc liên tục tái diễn ở một số quốc gia. Một số công ty đã tính đến phương án sản xuất tóc giả dựa trên các chất hóa học hoặc sử dụng hỗn hợp tóc người với lông động vật.
Việc gia tăng nhận thức về đạo đức kinh doanh đã khiến nhiều công ty hướng tới các phương thức thu mua tóc từ các nguồn minh bạch hơn. Janice Wilson, điều hành một công ty buôn bán tóc có trụ sở tại Mỹ, tuyên bố rằng ngoài việc cắt giảm các giao dịch tiền mặt, công ty của cô cũng tạo cơ hội việc làm cho những phụ nữ trẻ là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ.
Cô hiện đang điều hành Mane Moguls, một tổ chức hướng đến giúp đỡ các nhà kinh doanh có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành công nghiệp làm đẹp này. Một start-up khác thì lại hướng đến sự công bằng trong việc buôn bán trao đổi, đó là Remy – một công ty có trụ sở tại New York. Công ty này cho phép các bên thứ ba theo dõi chuỗi cung ứng và được tiếp cận với những người phụ nữ là nguồn cung cấp mái tóc của mình.
Công ty này cũng đưa ra các mức giá thu mua cao hơn cho các mái tóc, từ 65 đến 200 USD. Tại Việt Nam, cô Thủy đã bán được mái tóc của mình cho start-up này với giá 100 USD, một số tiền đủ để cô đầu tư nuôi một đàn gia súc làm vốn liếng.
Mặc dù các hoạt động buôn bán tóc đã đem lại cơ hội và nguồn thu nhập khá cho nhiều cộng đồng, việc khai thác quá mức lượng tóc cần phải dừng lại. Các quy định đảm bảo công bằng trong thương mại sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi nhiều hơn cho phụ nữ.
Có lẽ trong tương lai với công nghệ tiến bộ, các quy trình sản xuất sợi tóc tổng hợp sẽ sớm được hoàn thiện, làm nên những bộ tóc giả khó có thể phân biệt với tóc thật và được sử dụng rộng rãi hơn.